[Fanfic][NaLu] Tàn Mộng – Lời dẫn: Bài đồng dao đi cùng năm tháng

Facebook: https://www.facebook.com/fushengmengge
Wattpad: https://www.wattpad.com/user/ShiLiYueYun

Chếch theo hướng mười giờ, cứ vậy mà đi thẳng tuốt về phía miền Tây, xuôi theo từng con sóng, cưỡi trên từng ngọn gió biển mằn mặn, những con người thám hiểm bôn ba kia cuối cùng cũng đã thấy được đất liền trước mắt. Nơi này được gọi là lục địa Hoang. Không ai biết vì sao lại có cái tên đó, bởi vốn nơi này màu mỡ trù phú vô cùng, muôn dân cũng hạnh phúc ấm êm, không phải lo nghĩ cơm áo gạo tiền thường ngày.

Một vị thủy thủ đang giữ dây căng buồm trước gió, ánh mắt sáng rực lên khi thấy đất liền sau hơn nửa năm tắm trong sương gió hao gầy, miệng khẽ thì thào:

-Lục địa Hoang, đến rồi…

Người đồng nghiệp đứng bên cạnh anh ta cũng nghe thấy lời nói đó, khẽ mỉm cười đầy nhẹ nhõm vì cuối cùng họ cũng có thể ngơi tay trước biển cả sóng gầm kia rồi. Anh khẽ ngâm nga câu hát vô nghĩa không rõ. Bản thân anh cũng không hiểu hết được chữ nghĩa vì sự ít học của bản thân, nhưng vì làm nghề đi biển nhiều năm nên những bài ca đồng dao đó đã sớm in vào trong não anh tự bao giờ.

“Hoa cài tóc em sớm nhạt màu

Hoa điểm trên má cũng tàn phai

Thân tàn, xuân úa theo năm tháng

Lòng son phai nhạt, tình còn chăng?”

Câu hát đồng dao đầy buồn bã ấy cứ vậy mà ngân nga mãi trên bầu trời trong xanh, khắc ghi nỗi buồn thương ấy vào trong từng áng mây, từng lớp gió. Bài đồng dao ấy có một cái tên gắn liền với một câu chuyện lịch sử đầy bi thương cùng oai hùng một thời của lục địa Hoang kia.

Sử xưa của Hoang đã ghi lại rằng, bốn ngàn năm về trước, thuở mà con người mới vừa hình thành chế độ phong kiến ở nơi đây, vương quốc lớn nhỏ cứ thế mọc lên, rồi tranh chấp lãnh thổ cũng cứ vậy mà nổ ra. Ở đâu có lợi ích, ở đó sẽ có lòng tham, nên mặc cho dân chúng sống trong cảnh khói lửa lầm than, những vị vua quan đứng đầu vẫn cứ rèn binh luyện mã để đấu nhau sống chết mỗi ngày.

Cũng phải chừng hai ba trăm năm thì lục địa mới hình thành lại theo thế chân vạc, gồm ba nước lớn và các nước nhỏ chư hầu phụ cận. Nằm về phía Đông, trải dọc theo đường bờ biển Không Nguyệt chừng trăm cây số là nước Xích. Xuôi về mạn đằng tây nam, nơi phủ kín trùng điệp núi non hiểm trở là nước Diệp. Từ tây bắc đổ về đến trung tâm của đồng bằng lục địa, cũng là nơi màu mỡ đất đai, khí hậu ôn hòa nhất, thuộc dưới quyền sở hữu của nước Y Lạc. Nói về diện tích bành trướng lớn nhất và đi đầu về khoa cử thì là Y Lạc, về kinh tế và ngoại giao là nước Xích, còn về y thuật và quân sự thì Diệp lại nhỉnh hơn hẳn.

Diệp khác hẳn so với hai quốc gia kia, vì đơn giản nơi này tôn sung mẫu hệ. Người đứng đầu cả nước là phụ nữ, và con cái sinh ra đều theo họ mẹ. Ở đây cũng theo tôn chỉ một vợ một chồng từ trước khi hình thành nên đất nước, chứ không theo chế độ đa thê như Y Lạc và Xích. Nữ vương đang cai vị hiện tại của Diệp là một người đàn bà thông minh, xảo trá, và lại còn cả tài thao lược quân sự đáng nể phục. Danh xưng của bà vang xa khắp chốn, nên chỉ cần ở bất cứ đâu mà nghe được cái tên của “Xích Nữ Đế”, người người đều phải nể sợ. Xích Nữ Đế là hiệu của bà khi lên ngôi nắm quyền, còn tên thuở còn con gái là Irene Belserion.

Tại Diệp, cũng như quy luật tồn tại của bao quốc gia khác, không thể vắng bóng được sự giúp đỡ và gắn kết quyền lợi của các gia tộc lớn. Nơi này có năm gia tộc lớn nhất, tuần tự được trao cho năm danh hiệu để phụng hầu cho hoàng thất Belserion và cơ nghiệp nước Diệp.

Đầu tiên là gia tộc Vermillion, được đặt một chữ Minh, vì họ là những người đầu tiên sáng tạo ra hệ chữ và truyền bá chữ nghĩa và tri thức đến cho mọi người. Trong khi hầu hết những người khác ngu dốt và chỉ biết đánh đấm thì họ đã biết đọc viết và nghiên cứu đủ thứ.

Kế đến là gia tộc Heartfilia, được đặt một chữ Tâm. Phong cách làm việc của người nhà Heartfilia đều đi từ trái tim và lòng người mà ra, nên họ có tài thao lược con người rất giỏi, và ngoại giao vô cùng tốt. Nhờ có họ mà Diệp vẫn có thể duy trì mối quan hệ ngoài lạnh trong nóng với ba nước kia, giữ vững giao thương của ba nước dù đang trong thời chiến.

Gia tộc thứ ba trong Ngũ đại gia tộc được đặt một chữ Tín – gia tộc Strauss. Gia tộc này khá bí ẩn, hầu như sẽ chẳng bao giờ xuất hiện trong các buổi thiết triều, nhưng các lễ hội hay sự kiện lớn về lễ giáo đều do một tay họ nắm giữ. Dân gian đồn đại rằng gia tộc Strauss là nơi gìn giữ văn hóa và tín ngưỡng của con dân nước này.

Tiếp đó phải kể đến người của dòng tộc Welfen – được Nữ hoàng ưu ái ban cho chữ Trung trong trung thành, kiên trung. Họ là người đã cùng với bà sát cánh kề vai trong những trận chiến lớn nhỏ ở ngoài sa trường, và tấm lòng son sắt trung thành đến mức sẵn sàng hi sinh vì cơ nghiệp nước nhà. Nơi đây cũng là cái nôi sản sinh ra những anh tài dũng mãnh trên chiến trường, những vị tướng tài ba của nước Diệp, và cũng là kho tàng chứa các vũ khí quân sự tự nghiên cứu của đất nước.

Cuối cùng, ắt không thể nào thiếu được dòng tộc Belserion, được ban cho chữ “Quân”. Họ còn được biết đến với cái tên cao quý khác là Hoàng tộc nước Diệp, bởi họ chính là con cháu trực tiếp của Nữ Đế hiện tại. Những người tài đức có đủ đều được Nữ hoàng trọng dụng và có thực quyền trong triều, và bà cũng chẳng nuông chiều hay thiên vị người cùng một nhà. Ngoài ra, dòng dõi nhà Belserion vốn nổi tiếng suốt bao năm qua nhờ vào tài y thuật uyên thâm chuẩn xác của họ. Những vị thần y nổi danh trên khắp đại lục thì đến một nửa đều xuất thân từ Belserion ra cả.

Nhìn qua bên nước Y Lạp, người đứng đầu trị vì lúc bấy giờ là Hoàng đế Makarov Dreyar, người đời gọi ông theo hiệu Tiên Pháp Đế. Y Lạp chỉ có vỏn vẹn ba gia tộc lớn, nhưng bù lại người dân ai ai cũng đều vui vẻ ấm no, khiến cho những nước lân cận không khỏi ganh ghét đố kị trước sự giàu có trù phú mà thiên nhiên ban tặng cho họ.

Hoàng tộc Dreyar lại không được xét vào trong ba đại gia tộc. Gia tộc đầu tiên phò tá ông đi lên ngôi Hoàng đế này là dòng dõi Fernandes, hay còn được biết đến với cái tên Thịnh Vượng Gia tộc. Đây cũng là gia tộc có tài làm ăn và kinh doanh buôn bán nhất, chuyên lo liệu ngoại giao và kinh tế của quốc gia.

Kế đến phải nhắc tới nhà Milkovich – Gia tộc của Trí tuệ, bởi họ chính là người đem đến mô hình dạy học và hệ thống khoa cử cho lục địa này. Nói cách khác, họ chính là những người khai sáng tri thức cho nhân loại sinh sống tại nơi đây. Gia tộc Milkovich luôn được nắm giữ những vai trò quan trọng như cố vấn hay quân sư cho Hoàng đế về mọi vấn đề, và họ cũng là người nắm trong tay gần như 100% tri thức của cả đại lục rộng lớn này.

Cuối cùng không thể không kể đến gia tộc Spencer – những con người đại diện cho “Dũng cảm” của một quốc gia. Họ không chỉ đơn thuần là đội quân tinh nhuệ bảo vệ bờ cõi quốc gia, mà họ còn chăm chút vô cùng về mảng sản xuất nông sản cùng thực phẩm của con người, đảm bảo cho người dân sống trong vô lo về chiến tranh và tiền bạc, nhưng vẫn duy trì được năng suất lao động cao.

Quốc gia cuối cùng trong thế chân vạc của Hoang chính là Xích, nhưng những thông tin về người đứng đầu hay các gia tộc lớn tại nơi đây đều là một ẩn số. Có nhiều ý kiến tranh cãi trái chiều từ khắp các nhà khảo cổ học, nhưng vì thời gian đã quá xưa rồi nên chẳng còn ai đủ khả năng để xác nhận lại được triều đại năm ấy đã có những biến cố gì. Có nhiều dị bản nghiên cứu khác nhau, nhưng chung quy đều quay về một mối, rằng nơi đây có một vị quốc vương dũng mãnh anh tài, nhưng vì phận hẩm hiu nên chẳng thể tiếp quản được cơ nghiệp giang sơn rộng lớn này từ cha mình.

Người còn cười được đến cuối cùng là người thắng cuộc, còn đã ngã nửa đường thì đều là thua cuộc. Giữa những năm tháng loạn lạc chiến tranh, ai cũng muốn là người thắng, ai cũng đều ôm trong tim những khao khát hoài bão lớn lao. Nhưng có phải lúc nào cũng cầu là được, ước là thấy không? Có lẽ không, cũng có lẽ là có. Người đời về sau trông lại lịch sử sẽ có lúc cười chê cách làm của vị này, khen hay phong thái của kẻ kia, nhưng suy cho cùng thì những con người của lịch sử ấy chỉ đang sống vì lí tưởng của họ.

Chung lí tưởng thì khen hay, nhưng khác biệt sẽ chê dở, thói đời là vậy, bởi thế nên ranh giới giữa đúng và sai nó chỉ gói gọn ở trong quan niệm và cách nhìn của mỗi người. Kì thật, những con người tưởng chừng như to lớn tầm cỡ bậc vĩ nhân trong sử xưa của Hoang, thực chất lại mong manh yếu đuối vô cùng. Họ chỉ có một ước mơ về thời bình, nhưng mờ mắt trước tiền tài danh vọng nên chẳng còn giữ được vẹn nguyên giấc mộng giản đơn thuở ban sơ.

Mộng này rồi cũng tàn cũng vỡ, còn lại sau cuối chỉ là những kỉ niệm cùng lời ước hẹn chẳng có ngày hồi âm.

Đến cuối cùng, người cười vì thắng cuộc, hay cười vì đã tìm lại được ước vọng sơ khai của mình?

Bình luận về bài viết này